Tin tức

  • 07/11/2024

LUẬT GIAO THÔNG 2024 : CẬP NHẬT CÁC LOẠI GIẤY PHÉP LÁI XE Ô TÔ NĂM 2024

I. Vì sao cần có giấy phép lái xe ô tô?

1. Đảm bảo lái xe an toàn

Giấy phép lái xe là minh chứng cho việc người lái đã được đào tạo bài bản về luật giao thông đường bộ, nắm vững kỹ năng điều khiển xe an toàn và giải quyết các tình huống nguy hiểm.

Vì vậy, tài xế có bằng lái tức là đã được kiểm tra về cách lái xe ô tô an toàn, góp phần giảm thiểu nguy cơ gây ra rủi ro trên đường.

2. Giảm tai nạn giao thông

Theo các thống kê, tỷ lệ tai nạn giao thông do người lái xe không có giấy phép lái xe cao hơn nhiều so với người có bằng lái. Việc cấp phép lái xe giúp cơ quan chức năng kiểm soát được trình độ và kỹ năng của người lái xe, từ đó giảm thiểu tai nạn giao thông.

3. Tránh bị phạt

Theo Nghị định 123/2021/NĐ-CP, mức phạt đối với hành vi điều khiển xe ô tô mà không có giấy phép lái xe là từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng. Bạn sẽ tránh được việc bị phạt tiền cũng như tịch thu phương tiện nếu có giấy phép lái xe ô tô đúng luật.

Hơn nữa, nếu lái xe không có giấy phép mà gây tai nạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nắm rõ kinh nghiệm lái xe an toàn với các loại giấy phép lái xe mới 2024 để tham gia giao thông tự tin hơn.

II. Luật giao thông 2024: Các loại giấy phép lái xe ô tô hiện hành tại Việt Nam

1. Hạng GPLX ô tô hiện hành

Theo Luật Giao thông đường bộ 2008, các hạng giấy phép lái xe ô tô hiện hành tại Việt Nam bao gồm:

  • B1: Cấp cho người không hành nghề lái xe, điều khiển xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi (kể cả lái xe) và xe tải có trọng tải dưới 3,5 tấn.
  • B2: Cấp cho người làm nghề lái xe, điều khiển xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi (kể cả lái xe), xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3,5 tấn.
  • C: Cấp cho người lái xe ô tô tải, máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải từ 3,5 tấn trở lên, bao gồm cả các loại xe quy định cho hạng B1 và B2.
  • D: Cấp cho người lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi (kể cả lái xe), bao gồm cả các loại xe quy định cho hạng B1, B2 và C.
  • E: Cấp cho người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi (kể cả lái xe), bao gồm các loại xe quy định cho hạng B1, B2, C, D.
  • F: Cấp cho người đã có giấy phép lái xe các hạng B2, C, D và E điều khiển các loại xe ô tô tương ứng, kéo rơ moóc có trọng tải thiết kế lớn hơn 750kg, ô tô khách nối toa…

2. Dự thảo thay đổi loại GPLX

Các lưu ý về thay đổi trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới:

  1. Theo dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hai hạng giấy phép lái xe B1 và B2 sẽ được gộp chung thành hạng B. Điều này có nghĩa là người lái xe chỉ cần có một bằng lái xe hạng B để lái xe ô tô chở người đến 9 chỗ (bao gồm cả lái xe) với cả hộp số sàn và tự động.
  2. Ngoài ra, dự thảo mới cũng quy định không còn cấp giấy phép lái xe cho người lái máy kéo (trước đây là hạng A4) vì loại phương tiện này sẽ được xếp chung vào nhóm xe máy chuyên dùng.

3. Có được học lấy bằng lái xe online không?

Trước đây, khoản 2 Điều 8 Thông tư 12 quy định tất cả những ai có nhu cầu sở hữu giấy phép lái xe hạng B2, C, D, E và F đều bắt buộc phải được đào tạo tập trung tại các cơ sở được cấp phép đào tạo thì mới được tham gia thi lấy giấy phép lái xe.

Tuy nhiên, Thông tư 05/2024/TT-BGTVT vừa được ban hành vào 31/3/2024 cho phép những ai thi bằng lái xe B2, C, D, E và F được học lý thuyết trực tuyến với một số nội dung nhất định (trừ cấu tạo và sửa chữa thông thường, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, kỹ thuật lái xe), kết hợp học lý thuyết tập trung tại cơ sở được cấp phép đào tạo.

III. Cần bao nhiêu km lái xe an toàn để được nâng hạng giấy phép lái xe ô tô?

“Lái xe an toàn” được hiểu là quá trình điều khiển xe ô tô an toàn không vi phạm Luật Giao thông đường bộ và không gây tai nạn giao thông.

Để được nâng hạng giấy phép lái xe, bạn cần đáp ứng các điều kiện là: Có đủ thời gian lái xe an toàn theo quy định, đủ sức khỏe theo quy định, hoàn thành khóa đào tạo nâng hạng và đạt kỳ thi sát hạch nâng hạng.

Để nâng hạng giấy phép lái xe phải có đủ số km lái xe an toàn theo quy định tại khoản 3, Điều 7 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, được bổ sung bởi khoản 5 Điều 1 Thông tư 38/2019/TT-BGTVT:

  • Hạng B1 lên B2: Thời gian lái xe từ 01 năm trở lên và đạt 12.000 km lái xe an toàn trở lên.
  • Đối với Hạng B2 lên C, hạng C lên D, hạng D lên E, các hạng B2, C, D, E lên hạng F tương ứng: Thời gian lái xe từ 03 năm trở lên và có từ 50.000 km lái xe an toàn trở lên.
  • Hạng B2 lên D, C lên E: Thời gian lái xe từ 05 năm trở lên và đạt hơn 100.000 km lái xe an toàn.

IV. Khi nào cần đổi bằng lái xe ô tô theo kinh nghiệm lái xe an toàn?

1. Bằng lái xe hết hạn:

Hầu hết các loại bằng lái xe ô tô đều có thời hạn sử dụng, thế nên bạn cần đổi bằng lái xe mới trước khi hết hạn ít nhất 3 tháng.

Cụ thể, GPLX cho ô tô hạng B1, B2 có hạn 10 năm, còn hạng C, D, E, F có hạn 5 năm. Riêng GPLX cho xe máy hạng A1, A2, A3 không có thời hạn.

2. Bằng lái xe bị hư hỏng hoặc thông tin sai lệch:

Bạn cần tiến hành đổi bằng lái xe ô tô khi bằng lái xe bị rách, mờ, phai màu, hoặc bị tẩy xóa hoặc thông tin trên bằng lái xe bị sai lệch so với thông tin cá nhân của bạn.

3. Khi Luật thay đổi:

Theo Dự thảo Luật Trật tự ATGT đường bộ, sắp tới sẽ không còn giấy phép lái xe hạng B2.

Việc cấp GPLX theo hạng mới này sẽ được thực hiện cho người cấp lần đầu và các trường hợp cấp đổi, cấp lại. Đối với những người đã có GPLX trước khi luật mới có hiệu lực, người lái xe có thể tiếp tục sử dụng GPLX đến hết thời hạn. Vì vậy, bạn có thể hoàn toàn có thể yên tâm vì quyền lợi của bạn vẫn được đảm bảo.

Thông báo

Thông báo quan trọng

Review

Khách hàng nói về chúng tôi

Thông tin đăng ký tư vấn

Mọi thông tin của bạn sẽ được bảo mật.